Labels

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Những ngôi sao coi môn thể thao vua là nghề tay trái

Bóng đá là niềm đam mê của cuộc đời nhiều cầu thủ. Với một số khác, đó chính là con đường để thoát nghèo, để họ hướng đến một cuộc sống tốt hơn và có tiền chăm lo cho gia đình. Nhưng cũng có những người, bóng đá đơn giản chỉ là một cơ duyên mà nếu không có định mệnh run rủi, có khi họ đã theo một nghề khác.

Thiabaut Courtois từng là một VĐV bóng chuyền đầy hứa hẹn trước khi anh quyết định chuyển hẳn sang bóng đá. Wayne Rooney từng học quyền Anh, Zlatan Ibrahimovic có đai đen taekwondo. Rickie Lambert, chân sút của đội tuyển Anh từng có thời gian làm công nhân trong một công ty sản xuất củ cải đường.




Diego Costa khởi nghiệp là một... bồi bàn trong khi Carlos Bacca của Colombia từng là một anh chàng soát vé trên xe bus. Đấy là những cầu thủ nổi tiếng mà bạn đã có dịp nghe nhiều về cơ duyên của họ với bóng đá. World Cup 2014 vẫn còn nhiều những trường hợp như thế.


CON ĐƯỜNG ÂM NHẠC

Memphis Depay, ngôi sao trẻ vừa có một trận đấu rất hay giúp Hà Lan đánh bại Chile 2-0 (anh có 1 bàn và kiến tạo 1 bàn khác) suýt nữa đã trở thành một ca sĩ nhạc rap. Suốt thời niên thiếu, Depay đến sân tập bóng đá vào ban ngày và đi tập nhạc vào ban đêm. Anh duy trì điều này cho đến một hôm HLV Fred Rutten gọi đến và buộc anh phải chọn: hoặc là theo âm nhạc hoặc là trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp.



Depay ngoài khả năng săn bàn còn là Rapper cừ khôi


Sau một đêm phân vân, rốt cục Depay cũng đành gác lại niềm đam mê lớn là nhạc rap để toàn tâm cho môn bóng đá, tất cả cũng chỉ vì bóng đá có thể giúp cậu có một cuộc sống tốt hơn, ổn định hơn là cái nghiệp cầm ca. Và với việc tỏa sáng ngay trong kỳ World Cup đầu tiên của mình, ở tuổi 20, Depay càng có lý do để hài lòng với quyết định của mình.


Cũng chia sẻ niềm đam mê âm nhạc với Depay là Reza Ghoochannejhad (16), tiền đạo của đội tuyển Iran vẫn thường được gọi với cái tên thân mật là Gucci. Năm nay 26 tuổi, Reza vừa chuyển từ Standard Liege sang Charlton ở giải hạng Nhất Anh hồi tháng Giêng đầu năm, trở thành cầu thủ có cái tên... dài nhất trong hệ thống giải vô địch Anh.


Reza có khả năng chơi vĩ cầm rất cừ khôi và từng là thành viên của một dàn hợp xướng trước khi quyết định theo nghiệp quần đùi áo số. Ngoài vĩ cầm, những nhạc cụ mà Reza chơi đường còn có dương cầm và cả guitar. Reza từng nói: “Tôi cũng muốn mọi người gọi tôi là Mozart mới, nhưng không phải vậy. Tôi chỉ học nhạc ở mức vừa đủ chơi mà thôi”.


Thỉnh thoảng Reza cũng chơi nhạc trong các bữa tiệc của đồng đội. Mang trong mình 2 giòng máu Iran và Hà Lan, Reza từng chơi cho đội U15 và U23 Hà Lan. Nhưng anh đã nghe theo tiếng gọi của HLV Carlos Queiroz để khoác áo đội tuyển Iran dự World Cup”. Sau khi treo giày, Reza cũng sẽ trở lại với niềm đam mê âm nhạc của mình.


THỜI TRANG, NHÀ BĂNG & HƠN THẾ NỮA
Với Dejan Lovren, đam mê của anh là thời trang. Hậu vệ 24 tuổi người Croatia thậm chí còn có một nhãn hiệu thời trang của riêng mình mang tên Russell Brown, được sản xuất và tiêu thụ ở trong nước. Phong cách thời trang của Lovren là năng động, phù hợp với những cư dân sống ở thành thị và đi làm công sở.


Logo của hãng Russell Brown là một con cú màu đỏ ở ngực áo. Mặt hàng chủ lực của nhãn hiệu này là áo thun cho nam nữ, ngoài ra Lovren còn có vài bộ sưu tập áo đầm, quần short và mũ. Ngay cả những cầu thủ nổi tiếng như David Luiz, Edin Dzeko hay Luka Modric cũng đều là những khách hàng thường xuyên của thương hiệu này.


Một cầu thủ khác cũng không chỉ biết chơi bóng mà còn có một nghề khác phòng thân là Fabian Schar (Thụy Sĩ). Hâu vệ của CLB FC Basel từng là một nhân viên ngân hàng. Cách đây 3 năm, có rất ít dấu hiệu cho thấy Schar có thể trở thành một tuyển thủ quốc gia Thụy Sĩ dự World Cup.



Fabian Schar (Thụy Sĩ)


Anh cùng thời với lứa cầu thủ Thụy Sĩ đã vô địch giải U17 thế giới vào năm 2009, nhưng không thể chen chân vào đội hình ấy. Năm 17 tuổi Schar đã ra mắt đội bóng quê hương FC Wil ở giải hạng Nhì quốc gia. Nhưng vì lo sợ mình sẽ không thể tiến xa được với môn thể thao vua, Schar đã ra sức học ngành ngân hàng và nộp đơn xin việc vào một ngân hàng đại phương.


Schar nhớ lại trong buổi trả lời phỏng vấn trang web Raiffeisen, ngân hàng đã thuê anh làm việc: “Tôi thường làm việc cả ngày ở ngân hàng rồi sau đó đến tập đến tối mịt mới về nhà”. Đây cũng chính là ngân hàng tài trợ cho giải vô địch quốc gia Thụy Sĩ.
Mọi thứ đã diễn ra rất mỹ mãn với chàng trai lo xa này bởi không chỉ xin vào được ngân hàng, sự nghiệp của anh trên sân cỏ cũng đồng thời thăng tiến và một suất dự World Cup là minh chứng cho điều đó.


Cách đây 4 năm, khi Luis Suarez dùng tay cản Ghana trở thành đội bóng châu Phi đầu tiên vào bán kết World Cup, Albert Adomah đang sơn nhà cho mẹ mình ở tây London. Khi ấy anh cũng vừa hoàn tất xong một khóa đào tạo chuyên ngành trang trí và sơn công nghiệp ở trường cao đẳng Willesden. Đấy cũng chính là ngôi trường từng đào tạo ra kỹ sư điện Stuart Pearce, người sau này sẽ trở thành trung vệ của đội tuyển Anh.


Admoah giờ đã có mặt trong đội hình dự World Cup của Ghana, hy vọng sẽ tiến xa hơn cột mốc tứ kết của 4 năm về trước. Trong 4 năm ấy, Amomah đã đi từ CLB Barnet ở tận giải hạng tư của Anh đến Middlesbrough ở giải hạng Nhất như hiện nay.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét